Cách đây không lâu, mình cùng nhóm bạn người Pháp đến tham quan một trang trại nuôi cá của anh Oliver. Trãi qua hơn 20 năm với nghề nuôi cá lồng trên biển, anh Olivier đạt được nhiều thành công, chưa bao giờ cá của anh bị bệnh. Vì vậy, mình đã có cuộc phỏng vấn nhỏ với anh về cách nuôi, chăm sóc cá ở Pháp.
Oliver có khoảng 5 trang trại nuôi cá lồng trên biển, lồng cá được làm bằng lưới. Anh nuôi chủ yếu 2 loại cá: loup và daurade (xem ảnh bên dưới). Khi được hỏi bao lâu anh mới thay lưới mới, anh trả lời: “10 năm/ 1 lần”. Mình rất ngạc nhiên, vì mình nghĩ lưới không thể nào không bị mục dưới nước biển. Nhưng anh ta khẳng định, khoảng mười năm anh mới thay lưới một lần. Anh làm nghề nuôi cá lồng này đã hơn 20 năm, nên mình tin những gì anh đang nói.
Mình nhớ khi mình còn nhỏ, ba mình có làm lồng nuôi cá bống trên sông, nhưng lồng cá bằng bè gỗ, phải lót thêm lưới xung quanh bên trong bè. Nhưng thời gian của lồng lưới và gỗ ngắn hơn nhiều so với những gì anh nói, chính vì vậy, mình đã có chút nghi ngờ khi anh nói mười năm mới thay lưới một lần. Anh cho biết: luới hay gỗ mục mau, chủ yếu là do phải chịu nắng, mưa khi ở trên cạn, còn dưới nước biển thì độ bền lâu hơn.
Thức ăn cho cá là gì? Quan niệm của anh về dinh dưỡng?
Anh Olivier chủ yếu mua thức ăn cho cá từ những công ty chuyên sản xuất thức ăn cho vật nuôi. Hầu hết, thức ăn cho cá đều là thức ăn cho chế độ “ăn chay”. Nghĩa là thức ăn được làm từ bột ngô, hay bột lúa mì. Anh cho rằng cá cũng cần chế độ dinh dưỡng tốt thì cá mới khoẻ mạnh. Việc cho cá ăn thức “ăn chay” sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm kim loại nặng và điôxin vì hàm lượng của các chất này có ít trong ăn thức “ăn chay” hơn trong các loại thức ăn từ cá, cua…Như vậy, có thể giảm thiểu sự ô nhiễm trong khu vực lồng bè, cũng như trong môi trường nước biển. Môi trường nước biển có sạch, thì cá mới khoẻ và không bị bệnh. Từ đó, cho ra năng suất cao.
Các nước trong liên minh Châu Âu, trong đó có Pháp, pháp luật hạn chế sản suất những thức ăn cho cá được chế biến từ các loài thuỷ sản. Vì họ cho rằng, nhiều loại thuỷ sản mang mầm bệnh, hoặc một số loại con người không thể ăn được. Nếu sử dụng chúng làm thức ăn cho cá mà chúng ta ăn, thì chúng ta sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn hay nhiễm bệnh.
Hơn thế nữa, những loại thuỷ sản thông thường mà chúng ta ăn như: mực, cua, cá… khi chúng còn quá nhỏ, người Pháp sẽ không đánh bắt. Họ thường thả lại chúng về biển nếu họ đánh bắt nhằm chúng. Họ cho sinh vật nhỏ bé ấy thời gian sinh sống và tồn tại. Thứ nhất là vì lý do nhân đạo, thứ hai là vì hạn chế từ luật Châu Âu, nếu đánh bắt cả cá con và cá mẹ, thì một ngày nào đó, nguồn tài nguyên về hải sản sẽ cạn kiệt.
Ảnh: Diemparis và Olivier, chủ trang trại cá
Nuôi cá dày đặc, sẽ tăng nâng suất? Điều đó không đúng.
Anh lưu ý, không nên thả cá quá dày đặc, cá cũng cần môi trường sống và bơi lội để có được sức khoẻ tốt và thịt cá săn chắc hơn, cũng bớt sự lây lan nhiễm bệnh trong môi trường sống. Đặc biệt, trước khi nuôi, chú ý lựa chọn khu vực không bị ô nhiễm nguồn nước. Nếu nước biển bị ô nhiễm, cá dể nhiễm bệnh và chết. Cá khoẻ, không bệnh sẽ cung cấp cho chúng ta một nguồn dinh dưỡng tốt, đảm bảo không gây ra những nguy cơ nhiễm bệnh từ cá mà chúng ta ăn.
Cá nuôi là thức ăn cho chúng ta. Cá khoẻ, chúng ta khoẻ, cá bệnh thì chúng ta có nguy cơ bị bệnh. Do đó, “Hãy chăm sóc cá như chăm sóc chính chúng ta”